6 Giai đoạn trong quy trình kiểm thử phần mềm của tester

Quy-trinh-kiem-thu-phan-mem

Quy trình kiểm thử phần mềm sẽ giúp tester làm việc chuyên nghiệp và khoa học hơn. Đồng thời, khi tester tuân theo quy trình kiểm thử sẽ giúp tăng hiệu suất của đội nhóm. Từ đó, tester có thể đem đến chất lượng kiểm thử tốt nhất cho khách hàng của mình. Vậy quy trình kiểm thử phần mềm có những giai đoạn nào? Cùng VnSkills Academy đi tìm hiểu nhé. 

Phân tích yêu cầu (Requirement Analysis)

Phân tích yêu cầu (Requirement Analysis) là giai đoạn đầu tiên trong quy trình kiểm thử phần mềm. Tester sẽ tiến hành phân tích tài liệu đặc tả yêu cầu (Prototype) được tạo trong vòng đời phát triển sản phẩm (Software Development Life Cycle), tài liệu thiết kế hệ thống,…để hiểu yêu cầu khách hàng đưa ra. 

Thông qua hoạt động phân tích, nghiên cứu, tester sẽ hiểu hơn về các yêu cầu kiểm thử chức năng (Functional) và phi chức năng (Non-Functional) đưa ra. Nếu có vấn đề phát sinh, QA team sẽ đặt một số câu hỏi với các bên liên quan như BA (Business Analysis), PM (Project Manager), team leader, khách hàng để làm rõ vấn đề hơn. 

Cuối cùng, tester sẽ xác định loại kiểm thử được sử dụng và môi trường test cần có. Chúng sẽ được phân tích cụ thể qua tài liệu nghiệp vụ hệ thống, tài liệu báo cáo tính khả thi, phân tích rủi ro,…

Lập kế hoạch kiểm thử (Test Planning)

Dựa vào các tài liệu được cung cấp từ việc phân tích và nghiên cứu, tester manager hoặc tester leader sẽ tiến hành lập kế hoạch kiểm thử cho đội ngũ. Kế hoạch kiểm thử là một dạng tài liệu tổng quan (test plan/test estimation/ test schedule) về kiểm thử bao gồm các thông tin:

  • Xác định phạm vi kiểm thử: Thời gian dự án thực hiện, timeline các công việc, lịch trình dự kiến thực hiện các công việc nhỏ.
  • Xác định hướng tiếp cận, quy trình kiểm thử, tài nguyên, nguồn nhân lực (con người, thiết bị)
  • Lên kế hoạch test: Các module cần kiểm tra, công cụ và môi trường, phân công và sắp xếp thứ tự kiểm thử, xác định điều kiện bắt đầu và kết thúc,…

Quy-trinh-kiem-thu-phan-mem

Thiết kế kịch bản kiểm thử (Test Case Development)

Sau khi bước lập kế hoạch kiểm thử, tester sẽ căn cứ vào test plan để thiết kế kịch bản kiểm thử. Test case cần mô tả chi tiết các dữ liệu đầu vào, hoạt động và các kết quả mong đợi để xác định phần mềm có đáp ứng đúng yêu cầu hay không. Mẫu test case thường bao gồm: ID, mục đích kiểm thử, công việc cần thực hiện, kết quả mong đợi và thực tế. 

Bên cạnh việc tạo ra test case, tester cần chuẩn bị trước các dữ liệu kiểm thử cho các trường hợp cần thiết như test script, test data. Test script được viết bằng mã code sử dụng khi thực hiện test tự động (Automation testing). 

Sau khi hoàn thành test case, các thành viên trong nhóm cần review lại test case để có thể bổ sung nhằm tránh các rủi ro có thể gặp phải. Sau khi thiết kế kịch bản kiểm thử xong, ta sẽ có các tài liệu gồm test case, test design, checklist, test data, test automation script.

 

Xem thêm: Nguyên tắc kiểm thử phần mềm

 

Thiết lập môi trường kiểm thử (Test Environment Setup)

Thiết lập môi trường kiểm thử trong quy trình kiểm thử phần mềm là một hoạt động độc lập. Do đó, tester có thể bắt đầu cùng lúc với giai đoạn phát triển kịch bản kiểm thử. Developers sẽ tạo ra môi trường kiểm thử để deploy sản phẩm đã hoàn thiện về phần lập trình. Môi trường kiểm thử sẽ được quyết định dựa trên các yêu cầu khách hàng, đặc thù sản phẩm như client, server, network,… 

Sau khi môi trường kiểm thử được thiết lập, tester sẽ thực hiện nhanh kiểm thử khói (Smoke testing). Chúng có tác dụng kiểm tra tính sẵn sàng của môi trường và tính ổn định của bản build sản phẩm. Nếu xuất hiện bản build lỗi, tester có thể báo lại với developers để điều chỉnh kịp thời. Khi môi trường và bản build đã ổn định, tester sẽ tiến hành thực hiện kiểm thử. 

Quy-trinh-kiem-thu-phan-mem-cua-tester

Thực hiện kiểm thử (Test Execution)

Tester sẽ tiến hành thực hiện các test case đã được thiết kế với mức độ ưu tiên khác nhau trên môi trường đã được cài đặt. Trong quá trình test, nếu phát hiện lỗi (bug) thì tester sẽ viết (log) lên các tool quản lý lỗi. Các developer sẽ nhận bug của mình và xử lý. Sau khi fix xong bug, tester sẽ tiến hành thực hiện kiểm thử lại một lần nữa.

Trong quy trình kiểm thử phần mềm, tester sẽ ưu tiên kiểm tra các tính năng chính trước. Các chức năng phụ và giao diện sẽ được thực hiện test sau đó. Khi các lỗi đã được fix xong, các tính năng bắt đầu ổn định thì tester sẽ bắt đầu đổi trạng thái thành Close Bug. Nếu lỗi chưa chưa được fix thành công, trạng thái sẽ đổi thành Re-open để developers sẽ tiến hành fix lại. Tester thực hiện Re-test để verify các bug đã được fix và regression test khi có sự thay đổi liên quan. 

Trong suốt quá trình, kiểm thử viên cần hỗ trợ, đốc thúc nhau và đưa ra các giải pháp để công việc đạt hiệu quả cao. Tester cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ công việc để có thể hoàn thành kế hoạch test đúng hạn. Bên cạnh đó, tester cần thường xuyên cho PM và khách hàng biết về tình hình của dự án. Sau khi hoàn tất quá trình thực hiện kiểm thử, tester sẽ đưa ra các kết quả kiểm thử (test results) và danh sách các lỗi tìm được (defect reports).

chu-trinh-kiem-thu-phan-mem

Kết thúc quy trình kiểm thử phần mềm (Test Cycle Closure)

Test Cycle Closure là giai đoạn cuối trong quy trình kiểm thử phần mềm. Lúc này, tester sẽ tiến hành thực hiện tổng kết, báo cáo kết quả kiểm thử có bao nhiêu case pass/fail, số lượng case đã được fix, mức độ nghiêm trọng của lỗi, dev nào nhiều lỗi,…Bên cạnh đó, tester cần công bố chức năng nào đã hoàn thành/chưa hoàn thành test, có đáp ứng đúng tiến độ bàn giao không. 

Sau khi đã có được cái nhìn sơ bộ, tester sẽ đánh giá các tiêu chí hoàn thành như phạm vi kiểm tra, thời gian, chi phí,…Có những điểm tốt và chưa tốt nào, từ đó tester sẽ rút ra bài học kinh nghiệm cho các dự án sau để nâng cao chất lượng kiểm thử. Kết quả thu được sẽ là test report, test results (final). 

Kiểm thử phần mềm không phải là hoạt động đơn lẻ, riêng biệt mà đó là cả một quy trình có sự kết hợp giữa nhiều người với nhau. Hy vọng rằng thông qua bài viết của VnSkills Academy đã giúp bạn hiểu hơn về quy trình kiểm thử phần mềm. Từ đó, bạn có thể vận dụng để có chất lượng kiểm thử tốt nhất nhé. 

Đánh giá bài viết này nếu bạn thấy hay

Vui lòng đánh giá

Chia sẻ bài viết này:

Bài viết liên quan

.
.
.
.